Hồ Chí Minh – Một chính khách nổi bật trên truyền thông quốc tế

Cụm từ Việt Nam – Hồ Chí Minh, kể từ ngày 2-9-1945 và nhất là từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954 đến 2-9-1969 không còn xa lạ với những người nước ngoài hàng mấy chục năm qua. Và cho đến hôm nay, ở thế kỷ XXI, vẫn còn nhiều người nước ngoài xem đây là đề tài để viết sách và giải mã những bí ẩn chiến thắng của dân tộc Việt Nam qua hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các bìa báo quốc tế.

Số lượng người nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cuốn sách, bài viết về Bác của các tác giả nước ngoài đến nay vẫn chưa thể xác định được chính xác. Theo thống kê chưa đầy đủ đã có trên 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu, hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lí học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ, các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới…viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trân trọng ghi vào các bộ đại bách khoa thế giới, trong các bộ từ điển danh nhân lỗi lạc của loài người.

Ngay từ khi cái tên “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ra đời và đối mặt trực diện với thực dân Pháp thì tên Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “ẩn số” của báo chí nước ngoài thời bấy giờ. Tạp chí Time số ra ngày 9/9/1946 có bài “Hồ Chí Minh là ai?” (Ho Chi Minh, Who are You?) cho rằng, Bác là một nhân vật “rất kỳ lạ”. Bài báo đã tóm tắt cuộc đời hoạt động tìm đường cứu nước của Bác từ năm 1911 và khi mang tên Nguyễn Ái Quốc rong ruổi qua các nước Pháp, Nga, Thái Lan, Trung Quốc…

Trong Hội nghị Fontainebleau bàn về hòa bình ở Đông Dương giữa Chính phủ Pháp và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tờ báo dành nhiều thiện cảm khi thấy phong thái lịch lãm của Bác: “Ông Hồ đã xuất hiện với dáng người nhỏ bé và ông thường tặng hoa cho các nữ ký giả”.

 

 Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa tạp chí Life.

Tờ New York Times, số ra ngày Chủ nhật 9-5-1954 viết: “Người không những là thần tượng của nhân dân Việt Nam mà còn được Pháp công nhận là người phát ngôn đầu tiên của Việt Nam… Người Việt Nam này từng để lại ấn tượng sâu sắc và đặc biệt có cảm tình đối với các quan chức và nhà báo nước ngoài. Một người Pháp, sau này trở thành Cao ủy Pháp tại Đông Dương, cũng phải thừa nhận ông Hồ là người có tính cách rất mạnh mẽ và đáng tôn kính…Ngày nay, không một tên tuổi nào ở châu Á lại nổi tiếng như nhà cộng sản và dân tộc chủ nghĩa lão thành Hồ Chí Minh. Người chính là biểu tượng, là nhân vật truyền thuyết hơn là một con người bằng da bằng thịt”.

Tạp chí Time, số ra ngày 22-11-1954 đã đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tạp chí này nhấn mạnh: “Với thắng lợi (Điện Biên Phủ), uy tín của ông Hồ Chí Minh đã vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á. Các nhà dân tộc chủ nghĩa tại nhiều nước, mặc dù họ chống cộng, cũng không thể không lấy làm tự hào trước chiến công của một quân đội một nước châu Á đánh bại những kẻ từng là “ông chủ” của họ từ châu Âu tới…

Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, lực lượng Việt Minh đã có được một quân đội chiến đấu trong rừng có hiệu quả nhất Đông Nam Á, có vị tướng tài ba nhất Đông Nam Á là Võ Nguyên Giáp, có một tổ chức chính trị vững chắc nhất do Hồ Chí Minh đứng đầu và có trình độ lãnh đạo lão luyện”.

Tờ New York Times, số ra ngày Chủ nhật 28/3/1965, trong bài “Bác Hồ bất chấp chú Sam”, đã viết: “Khuất trong rặng hoa và cây xanh bao quanh tòa nhà của cựu Toàn quyền Pháp ở Hà Nội là một ngôi nhà nhỏ với những đồ đạc giản dị. Trước đây là căn phòng của người làm vườn, nay là nhà của một cụ già mảnh khảnh có nụ cười luôn ấm lòng người khác. Cụ chính là người đã phá tan hệ thống thuộc địa Pháp ở Đông Dương và giờ đây lại bất chấp sức mạnh của Mỹ trong cuộc chiến tranh mới, có thể là tiền đề cho một sự sụp đổ hoặc một chiến thắng vĩ đại nhất”.

Nhà báo Mỹ Harrison S. Salisbury sau khi được gặp Bác năm 1967, đã viết: “Cụ sống giản dị và khắc khổ tại căn buồng phụ nhỏ và đơn sơ sau dinh toàn quyền cũ ở Hà Nội, rất lịch thiệp khi uống trà với khách (tặng một bông hồng đối với khách nữ, nói một câu đùa hài hước đối với khách nam), tất cả đều là nhân tố của thần thoại và truyền thuyết”…

Khi viết về 60 năm hoạt động cách mạng của Bác Hồ, nhà báo Harrison S. Salisbury viết: “Người Mỹ thường nghĩ về Hồ Chí Minh qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam và qua những dính líu của Mỹ…Cụ đã bằng phương pháp nào đó, đưa toàn bộ kỹ thuật quân sự Mỹ đến đường cùng trong một cuộc chiến đấu không tiền khoáng hậu giữa chàng David và tên khổng lồ Goliath thời hiện nay”.

Báo Le Figaro của Pháp đã viết về Bác: “Cụ Hồ Chí Minh là người đã buộc Pháp phải bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương…Cụ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và làm cho chúng ta kinh ngạc nhất của thế kỷ chúng ta”.

Tờ Washington Post, có số phát hành và ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ, sau lễ tang Bác tháng 9/1969, đã viết: “Con người mảnh khảnh, nhưng đôi mắt tinh anh sáng rực, đã trải qua nhiều nghề nghiệp, từ khi còn là bồi bàn trên tàu thủy, rồi làm nghề rửa bát, cấp dưỡng, giáo viên, thợ rửa ảnh và trở thành nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên những nhân vật đương thời”.

 Tạp chí Châu Mỹ La tinh.

Tờ New York Times, số ra ngày 4-9-1969 viết: “Trong số các chính khách của thế kỷ 20, ông Hồ Chí Minh là nhân vật nổi bật về tính bền bỉ, dẻo dai và lòng kiên nhẫn trong việc tìm kiếm mục tiêu độc lập cho Việt Nam và thành công trong việc dung hòa chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa dân tộc”.

Tờ World daily, sau ngày Bác mất cũng đã đăng liên tiếp cả chục số báo nhiều bài viết dưới tiêu đề “Di sản của Hồ Chí Minh”, số báo ra ngày 20-9-1969 đã viết: “Hồ Chí Minh không những tìm ra con đường đi tới tự do, mà còn sáng lập và xây dựng công cụ lãnh đạo là chính đảng Mác-Lênin… Người đã trở thành biểu tượng Anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại.

Cuộc đời và các tác phẩm của Người sống mãi để thôi thúc những thế hệ tiếp nối và những thế hệ chưa chào đời. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản trong các nhà cách mạng trên toàn thế giới!”.

“Việt Nam có thể có những bước thăng trầm, nhưng ký ức về vị lãnh tụ cộng sản được sinh ra cách đây 115 năm sẽ tồn tại mãi mãi”, nhà báo Denis Gray của hãng tin AP khẳng định. Trong bài viết “Hồ Chí Minh – Chiến thắng một tầm nhìn” – Dierk Szekielda, tạp chí In Asien của Đức viết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường”.

Nhà báo Canađa George Fogarasi kể lại trong bài “Con phượng hoàng của Bác Hồ đứng dậy từ tro tàn của cuộc chiến tranh” – The Straits Times, Singapore viết: “Tôi hỏi một người đạp xích lô về Bác Hồ, người này đã có thời kỳ đi học tập cải tạo vì từng đứng trong hàng ngũ của chính quyền Sài Gòn cũ. Nhưng anh kính trọng đạo đức của Bác Hồ và gọi Bác là một người Việt Nam chân chính”.

Tờ Time đã bình chọn Bác là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX. Tờ Manila Times  viết: “Ông Hồ là là một biểu tượng của châu Á. Không những Ông đã thành công trong vai trò người lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của nhân dân mà còn nêu một chân lý chưa từng thấy: Một dân tộc dù nhỏ bé nếu có quyết tâm thì có thể chống lại cả những cường quốc quân sự mạnh nhất”.

Tờ Tiến lên của Sri Lanca nhấn mạnh: “Người (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta. Sự lãnh đạo lâu dài và vẻ vang của người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Việt Nam có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng với quá trình phát triển các sự kiện toàn thế giới”.

Tạp chí “Time”số ra ngày 13-4-1998 có đăng bài viết của nhà văn Stanley Karnow có đoạn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa cộng sản, xây dựng hoàn thiện nghệ thuật chiến tranh du kích tuyệt vời. Bất cứ sự nhân nhượng nào, Hồ Chí Minh nhận thấy, đều đồng nghĩa với việc chia cắt đất nước lâu dài và cướp đi ước mơ thống nhất Việt Nam dưới ngọn cờ của ông…”.

 

Hình ảnh Bác Hồ trên báo chí nước ngoài.

Một đoạn trả lời phỏng vấn đài BBC (tháng 5-2002) của giáo sư người Mỹ William Duiker, tác giả cuốn “Hồ Chí Minh – Một cuộc đời” – 2000, để có thể “giải mã” phần nào: Chủ tịch Hồ Chí Minh là ai, trong mắt của người nước ngoài.

BBC: Nhìn ra bên ngoài Việt Nam, thì tại sao cho đến giờ vẫn có các nhà nghiên cứu ở Phương Tây như ông quan tâm đến nhân vật Hồ Chí Minh? Ngay mới đây thôi, tiến sĩ Sophie Quinn-Judge cũng ra một cuốn sách về Ông Hồ, ông thì ra một cuốn năm 2000. Tại sao các vị lại quan tâm tìm hiểu ông Hồ Chí Minh như vậy?

GS William Duiker: Phải trở lại với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Khi đó, với tôi, để hiểu được cuộc chiến đó, để hiểu được vì sao người Việt Nam lại chiến đấu chống lại người Pháp và sau này là người Mỹ thì phải tìm ra một chìa khóa cho việc nghiên cứu.

Chìa khóa đó là nhân vật Hồ Chí Minh. Ông là hiện thân của cuộc kháng chiến ở Việt Nam, có uy tín duy trì sự thống nhất tuy không phải hoàn toàn của phong trào cách mạng Việt Nam. Tôi nghĩ, đối với bất cứ ai muốn tìm hiểu cuộc chiến Việt Nam thì việc tìm hiểu về ông Hồ Chí Minh là điều không thể thiếu.

BBC: Vậy ông đã tìm hiểu được những gì về ông Hồ Chí Minh?

GS William Duiker: Theo tôi, ông Hồ Chí Minh đã rất thành công trong việc biến hai động lực trong xã hội Việt Nam thời gian đó thành chính con người ông ta. Tức là trong phong cách cá nhân của mình, ông Hồ Chí Minh đã thể hiện được ham muốn của dân Việt Nam, muốn được có công lý, gồm cả công bằng xã hội và công lý về chính trị, quyền được bên ngòai đối xử công bằng.

Và điều thứ hai, ông thể hiện được là tạo ra một cuộc cách mạng với mục tiêu đem lại cuộc sống tốt hơn cho người Việt Nam.

Ngày 12-11-2013, Tổng thống Nga V. Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai…Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.

CTV Hoài Hương/VOV.VN