Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên Đoàn Chủ tịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, tháng 9/1960. |
Đảng Cộng sản Việt Nam phải chứng tỏ thực sự xứng đáng với vai trò lãnh đạo của mình trước nhân dân
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), Hồ Chí Minh viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(1). Quan điểm đó nhất quán trong hệ thống tư tưởng của Người về Đảng Cộng sản cầm quyền. Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò “người cầm lái” con thuyền cách mạng. Chỉ khi người cầm lái có đủ tâm, đức, tài thì con thuyền mới cập bến thành công.
Thực tế hiện nay đang đặt ra một số vấn đề về lý luận và thực tiễn đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải giải quyết:
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam (cũng như các Đảng Cộng sản khác trên thế giới) đang phải rất nỗ lực tìm tòi, xây dựng lý luận về CNXH. Sự cảnh báo của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh về việc hiểu lý luận của các ông đã không được các Đảng Cộng sản coi trọng đúng mức. Các ông cảnh báo rằng: Lý luận của các ông không phải là một học thuyết máy móc, giáo điều, mà là phương pháp luận, phải xem xét lý luận trong điều kiện lịch sử cụ thể. Việc xác định đặc trưng của xã hội XHCN ở Việt Nam trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) là một cố gắng lớn, song chưa cụ thể.
Hai là, công tác cán bộ còn nhiều bất cập, hạn chế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ. Đảng ta đã xác định đây là một trong những nguyên nhân đe dọa sự tồn vong của chế độ, nhưng vẫn chưa khắc phục được cơ bản.
Ba là, sự giảm niềm tin trong Đảng và trong xã hội. Sự bất bình của nhân dân ở nhiều nơi khá gay gắt, nhất là ở một số lĩnh vực: Đất đai, dân chủ, ở thái độ xử lý đối với tham nhũng. Một số nơi, tổ chức đảng, chính quyền không duy trì quan hệ đối thoại với dân. Sự băng hoại về đạo đức, nhân cách, lối sống không những biểu hiện nghiêm trọng ở ngoài xã hội mà đã nhiễm vào trong Đảng.
Vì vậy, Đảng phải chỉnh đốn lại, khắc phục tình trạng trên thì mới củng cố được vai trò lãnh đạo của mình trước nhân dân.
Đảng phải thực hiện thật tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản
Nguyên tắc đầu tiên, cơ bản mà V.I.Lênin nêu lên là nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản cầm quyền cần bảo đảm thực hiện các nguyên tắc:
Một là, Đảng phải luôn luôn vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Hồ Chí Minh chú trọng vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin tùy vào hoàn cảnh cụ thể. Người coi đó là cơ sở (2) chủ đạo, để đạt mục đích tối cao là giải phóng con người. Giáo điều, cứng nhắc, cũng như xa rời những nguyên lý cơ bản có tính chất phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đều là con đường chết của cách mạng.
Hai là, thực hiện tập trung dân chủ. Hồ Chí Minh đưa ra luận đề quan hệ mật thiết: Tập trung trên nền tảng dân chủ, dân chủ phải đi đến tập trung. Hàm lượng dân chủ càng cao thì tập trung trong Đảng càng đúng đắn.
Ba là, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Để nhấn mạnh tính chất này, Hồ Chí Minh lưu ý hai điều cần tránh trong hoạt động của Đảng Cộng sản cầm quyền: Độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể; dựa dẫm tập thể, không quyết đoán.
Bốn là, thực hiện tự phê bình và phê bình. Đây là điều trăn trở nhất của Hồ Chí Minh với tư cách là lãnh đạo Đảng cầm quyền. Nguyên tắc này liên quan tới vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đoàn kết dựa trên cơ sở mục đích, lý tưởng của Đảng; lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc; tôn trọng ý kiến cá nhân.
Năm là, chú trọng kết nạp những người ưu tú vào Đảng và luôn luôn làm trong sạch Đảng, loại bỏ những phần tử biến chất ra khỏi Đảng. Đây chính là quá trình “đồng hóa” và “dị hóa” của sự vật, làm trong sạch đội ngũ qua bộ lọc. Chất lượng, năng lực của đội ngũ đảng viên có tính chất quyết định đối với chất lượng, năng lực cầm quyền của Đảng.
Sáu là, hoạt động đúng pháp luật. Vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước chưa được Hồ Chí Minh đề cập nhiều, tuy nhiên, tinh thần của Người về vấn đề rất rõ, đó là tinh thần pháp quyền: Mọi người, từ cán bộ cao cấp đến mọi đảng viên khác đều có nghĩa vụ tôn trọng thực thi pháp luật.
Bảy là, có trách nhiệm với dân và tăng cường mối quan hệ máu thịt với dân. Mục đích hoạt động của Đảng và quyền lợi của dân là một – đó là tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động cách mạng. Hồ Chí Minh, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), chia dân thành: Tiên tiến, vừa vừa, lạc hậu. Nhiệm vụ của Đảng là phải làm cho dân giác ngộ, đưa dân lên hàng “tiên tiến”. Gần dân, hiểu dân, vì dân, đó là phong cách Hồ Chí Minh, đó là sự “hiếu với dân” của Hồ Chí Minh, và đó cũng là yêu cầu có tính nguyên tắc mà Hồ Chí Minh nêu lên cho việc thực hiện vai trò của Đảng cầm quyền.
Tám là, chú trọng giữ vững và tăng cường mối quan hệ quốc tế trong sáng. Trong mọi chính sách đối nội và đối ngoại, Đảng Cộng sản cầm quyền phải lãnh đạo bảo đảm lợi ích của dân tộc đồng thời không phương hại đến lợi ích của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế.
Giữ vững tư cách và vai trò cầm quyền của Đảng
Khi đề cập tư cách của một Đảng Cộng sản cầm quyền, Hồ Chí Minh rất nhấn mạnh đến vấn đề “đạo đức”, “văn minh” của Đảng. Để cho Đảng trở thành Đảng của đạo đức, của văn minh cần “rèn” đạo đức cán bộ, đảng viên trong thực tế chứ không chỉ dừng lại ở những quy định trong Điều lệ.
Sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của quá trình Đảng thể hiện rõ với toàn xã hội vai trò, sức mạnh và uy tín của mình. Nhưng, Đảng sẽ không còn ở vị trí cầm quyền nữa, nếu Đảng bị suy yếu, không trong sạch, vững mạnh; niềm tin của nhân dân vào Đảng suy giảm. Như Hồ Chí Minh lập luận: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(3). Chính vì vậy, vai trò cầm quyền, lãnh đạo của Đảng cũng như việc phải luôn luôn tự đổi mới và tự chỉnh đốn bản thân là hai vế đồng thời vận hành trong cùng một cơ thể sống. Do đó, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Tính chất then chốt của nhiệm vụ đó thể hiện ở việc Đảng phải nâng cao tầm trí tuệ và năng lực lãnh đạo cũng như sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Con đường XHCN mà dân tộc Việt Nam lựa chọn là đúng đắn, nhưng rất gian nan. C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh cũng dự đoán con đường tiến lên XHCN sẽ không bằng phẳng, không ai có thể định sẵn, mà phải qua thực tế mới có bước đi phù hợp. Như Hồ Chí Minh viết trong Di chúc, đây là một cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Do đó, Đảng phải tự tìm tòi, tự tổng kết thực tiễn để đề ra lý luận đổi mới, trong đó có lý luận về Đảng cầm quyền trong chế độ một Đảng.
Cần đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, vì đó là nhân tố quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng. Nếu đội ngũ cán bộ của Đảng mạnh thì sự chống phá của các thế lực thù địch không thể làm cho Đảng suy yếu và mất vai trò cầm quyền. Ngược lại, nếu bên trong suy yếu, thì trong quá trình hội nhập quốc tế, “diễn biến hoà bình” rất dễ biến thành nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong Đảng.
Cần chú ý thực hành dân chủ trong Đảng, coi đó là vấn đề then chốt của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vấn đề mất dân chủ trong Đảng vẫn biểu hiện ở nhiều dạng: Nhiều cấp ủy chưa tôn trọng quyền làm chủ của đảng viên; không ít đảng viên không làm tròn trách nhiệm, thờ ơ, thụ động chính trị, không đóng góp ý kiến, bày tỏ chính kiến trong tổ chức Đảng; lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, công kích tổ chức Đảng và cá nhân cán bộ, đảng viên; núp bóng dân chủ để lồng ý kiến cá nhân thao túng tổ chức Đảng, lạm quyền dân chủ, dân chủ thái quá; dân chủ hình thức, nhiều việc cũng để cho cán bộ, đảng viên đóng góp ý kiến (thậm chí cho cả nhân dân đóng góp ý kiến) nhưng không nghiên cứu để tiếp thu, dẫn đến tốn kém thì giờ và tiền bạc, làm giảm lòng tin; có thái độ không đúng đắn, lẫn lộn đối tượng, đối xử không công bằng với những người có ý kiến “gai góc”, thẳng thắn; thao túng và khuyến khích tình trạng vô chính phủ, v.v.. Hệ quả của các biểu hiện đó là Đảng không mạnh về nhiều mặt, dân chủ trong Đảng không bảo đảm, dẫn đến dân chủ trong xã hội không được chú ý.
Đồng thời, hoạt động của Đảng cần được định chế hóa. Vấn đề này phản ánh trình độ dân chủ và năng lực, bản lĩnh chính trị của Đảng, phản ánh tư duy của tổ chức Đảng cấp cao, tư duy và phong cách của những cán bộ chủ chốt trong Đảng. Những tiêu cực trong Đảng nếu giải quyết không tốt, thì sự cầm quyền, năng lực cầm quyền của Đảng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể nói, chưa bao giờ “sức đề kháng” trong Đảng có những biểu hiện yếu kém như giai đoạn này. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nước ta đứng trước thử thách, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò cầm quyền của Đảng và sự tồn vong của chế độ chính trị.
Phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt. Đường lối đúng mà phương thức lãnh đạo không phù hợp, thậm chí sai, thì không thể đưa được đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền vào cuộc sống, thậm chí làm cho cách mạng bị tổn thất.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng giai đoạn hiện nay phải đặt trọng tâm vào đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Vai trò của Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng cao, điều đó thể hiện ý chí, quyền lực của nhân dân. Xét trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản cầm quyền thì Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác. Do Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng duy nhất trong xã hội và là đảng cầm quyền, nên Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội phải là những tổ chức phản biện cho Đảng. Đảng thực thi vai trò, chức năng, nhiệm vụ cầm quyền của mình trong sự so sánh, đối chiếu với các ý kiến tư vấn, phản biện của các tổ chức chính trị – xã hội. Qua đó, Đảng tự điều chỉnh, bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương để đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội./.
____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2017
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.289.
(2) Có một số ý kiến cho rằng, Hồ Chí Minh chỉ coi chủ nghĩa Mác – Lê-nin như một phương tiện hoạt động khi tự nhận mình là “học trò nhỏ” của cả C.Mác, V.I.Lênin, Khổng Tử, Giêsu, Thích Ca Mâu Ni, Tôn Dật Tiên… Như vậy chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ là một trong nhiều luồng tư tưởng, nhiều học thuyết mà Hồ Chí Minh sử dụng trong hoạt động chính trị của mình. Thực chất, Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là “mặt trời soi sáng”, là “trí khôn” của con người, là “bàn chỉ nam” cho con tàu. Nói cách khác, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của tổ chức và người cộng sản chứ không chỉ là phương tiện.
(3) Hồ Chí Minh: sđd, t.15, 2011, tr.672.
GS, TS Mạch Quang Thắng, Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn http://lyluanchinhtri.vn