Chủ tịch Hồ Chí Minh với nông dân. Ảnh tư liệu
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới gắn liền với xây dựng đời sống mới, con người mới có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao
Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng một lúc phải chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng trước hết đến xây dựng đời sống mới cho nhân dân. Ngày 4-3-1946, Người ra Sắc lệnh 44/SL về “Đời sống mới” và phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”. Thực hiện nhiệm vụ đó, ngày 3-4-1946, Ủy ban vận động đời sống mới Trung ương ra đời(2).
Ngày 20-3-1947, Hồ Chí Minh cho xuất bản tác phẩm “Đời sống mới” nhằm huy động tạo nguồn lực về vật chất, tinh thần góp phần cho kháng chiến thắng lợi và xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mục đích của việc xây dựng đời sống mới là: “Làm thế nào cho đời sống của nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”(3). “Đời sống mới không phải là cái gì cao xa, khó khăn mà chỉ là sửa lại những việc cần thiết trong đời sống hàng ngày đó là cách ăn, cách ở, cách mặc, cách đi lại, cách làm việc”(4)… Những lời chỉ dạy của Bác trong tác phẩm Đời sống mới là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp xây dựng nông thôn mới ngày nay.
Để xây dựng thành công nông thôn mới, theo Hồ Chí Minh, trước hết mỗi người phải tự xây dựng đời sống mới cho riêng mình, từ đó góp phần xây dựng đời sống mới cho cộng đồng. Người cho rằng, xây dựng đời sống mới là sức mạnh tổng hợp của nhiều người: “Do nhiều người nhóm lại mà thành Làng, do nhiều Làng nhóm lại mà thành Nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành Làng xấu, Nước hèn; nếu mỗi người tốt, thì Làng tốt, Nước mạnh. Người là gốc của Làng, Nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì Dân tộc nhất định phú cường”(5). Tháng 5-1955, nói chuyện với các đại biểu trước khi Hội nghị đổi công toàn quốc bế mạc, Hồ Chí Minh căn dặn, muốn xây dựng nông thôn mới thành công cần phải đánh thông tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, làm cho ai cũng hiểu thấu rằng: Hiện nay chỉ có tổ đổi công tốt, sản xuất mới có thể tăng gia, kinh tế nông thôn mới có thể phát triển, đời sống nhân dân mới có thể ấm no, mọi việc khác mới có thể thi hành(6).
Tại Hội nghị giảm tô và cải cách ruộng đất ngày 31-10-1955, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trong khi tiến hành cải cách ruộng đất phải chú trọng vận động quần chúng sản xuất, phải thật sự săn sóc đến đời sống của nông dân…” và phát động phong trào Tết trồng cây Mùa xuân Kỷ Hợi năm 1959 với mong muốn làm cho “phong cảnh nước ta ngày càng tươi đẹp” và là sự chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới: “Tết trồng cây là một việc quan trọng chuẩn bị cho công cuộc xây dựng nông thôn mới nay mai”(8). “Chúng ta đang chuẩn bị xây dựng nông thôn mới. Việc đầu tiên của nông thôn mới là xây dựng nhà ở cho đàng hoàng. Muốn vậy, thì ngay từ bây giờ phải trồng cây nhiều và tốt để lấy gỗ. Chỉ một việc đó đủ thấy cần phải đẩy mạnh phong trào Tết trồng cây”(9).
Luôn trăn trở về cuộc sống của nhân dân, nên trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm sâu sắc đến việc nâng cao đời sống nông dân. Người căn dặn: “Trong bao năm kháng chiến chống Pháp, tiếp đến chống Đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ. Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(10).
Xây dựng nông thôn mới gắn liền với rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và đời sống văn hóa mới cho nhân dân
Một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới là việc chăm lo rèn luyện phẩm chất đạo đức, nhân cách và đời sống văn hóa mới cho nông dân. Đây là vấn đề nòng cốt trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vì người nông dân (vừa là chủ thể, vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc xây dựng nông thôn mới), nên phải siêng năng, cần cù, hăng hái thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm, có tinh thần làm chủ, chủ động, sáng tạo trong lao động, sống có tinh thần, trách nhiệm, có tình, có nghĩa, luôn thương yêu, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”… Trong nông thôn, người nông dân phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái, không tham lam, ích kỷ, không tư lợi dù là cây kim sợi chỉ của chung. Hồ Chí Minh khẳng định: Khi xây dựng “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ, cái gì cũng làm mới mà cái gì cũ mà xấu thì bỏ (tính lười biếng, tham lam…); cái gì cũ, không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý (cưới hỏi quá xa xỉ…); cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm (tương thân, tương ái, tận trung với nước, hiếu với dân…); cái mới mà hay, thì phải làm (ăn ở hợp vệ sinh, làm việc ngăn nắp)”(11).
Bên cạnh việc rèn luyện đạo đức cho nông dân, Người chủ trương trong xây dựng đời sống mới ở nông thôn phải coi trọng văn hóa và coi đó là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển xã hội. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm khi xây dựng nông thôn mới về văn hóa là “phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân”, về phong tục “phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng “phong thuần tục mỹ”(12). “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”(13) . Do đó, khi xây dựng nông thôn mới cần chú ý nâng cao nhận thức cho người dân về văn hóa để các giá trị của văn hóa thấm sâu vào tâm trí, tư duy của mỗi người dân, từ đó người dân không ngừng nâng cao nhận thức về văn hóa.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới cần phát huy vai trò của tổ chức Đảng và hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chính phủ cần phải chuẩn bị kế hoạch xây dựng nông thôn mới và kiểu mẫu xây dựng nhà cho nông dân làm theo”(14). Để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa của việc xây dựng đời sống mới ở nông thôn, theo Hồ Chí Minh cần coi trọng công tác vận động, tuyên truyền, giải thích và làm gương để phong trào xây dựng nông thôn mới trở thành hành động thiết thực. Người nhấn mạnh: “Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương. Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào… Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”(15). Làm như vậy, nhân dân càng tín nhiệm Đảng, chính quyền càng nêu cao tinh thần tập thể, tinh thần làm chủ, tinh thần chủ động và càng hăng hái lao động sản xuất. Bên cạnh vai trò của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cũng có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Như vậy, quan điểm xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới là xây dựng con người mới lấy văn hóa làm nền tảng tinh thần để hình thành người nông dân có phẩm chất đạo đức, nhân cách; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân không ngừng được nâng cao. Quá trình đó gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng, hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới hiện nay
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nông thôn mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và coi nông thôn là địa bàn chiến lược quan trọng góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước. Do đó, ngày 5-8-2008, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, về “Nông nghiệp, Nông dân và Nông thôn”. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới, ngày 4-6-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 gồm 11 nội dung, 19 tiêu chí. Chính phủ xác định rõ mục tiêu của Chương trình là: “Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phấn đấu đến năm 2015: 20% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới; năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới)(16).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sau hơn 10 năm (2010-2021), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả quan trọng: Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được tăng cường, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện…(17). Nông nghiệp trở thành trụ đỡ của để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đời sống của nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn mỗi năm một tăng(18). Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm so với kế hoạch. Đến hết năm 2020, cả nước có 62,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 12,4% so với mục tiêu đặt ra của Chương trình đến năm 2020 là 50%); đến tháng 7-2021, tăng lên 64,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 04 tỉnh đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016…(19). Những thành tựu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế(20). Đây là những tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu xây dựng “Nông nghiệp thịnh vượng, Nông dân giàu có, Nông thôn văn minh, hiện đại” và là minh chứng sống động làm thất bại các luận xuyên tạc của các thế lực thù địch về công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Tuy còn những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng nông thôn mới như: sự phát triển từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở các vùng miền có khoảng cách chênh lệch khá cao; thu nhập của một bộ phận nông dân còn thấp và bấp bênh; môi trường sống ở nông thôn còn ô nhiễm; văn hóa nông thôn và một số giá trị truyền thống có nguy cơ mai một,…nhưng những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm qua là cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, đáp ứng ước nguyện của Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống nông dân, làm cho người nông dân ấm no, hạnh phúc.
__________________
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246, 611.
(3), (4), (5), (7), (11), (12), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.113, 113, 116-117, 116, 112-113, 119, 125.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.481.
(8), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.536, 226.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.446.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.617.
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.25.
(16) Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05-4-2016 về việc ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Hà Nội, tr.1.
(17) Phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang – Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(18) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018-2023).
(19) http://baochinhphu.vn/Xay-dung-nong-thon-moi/Xay-dung-nong-thon-moi-dat-ket-qua-to-lon-toan-dien-va-mang-tinh-lich-su/439590.vgp, ngày 23-7-2021.
(20) Phát biểu tại của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội (14/10/1930-14/10/2020), đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh, Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V giai đoạn 2020-2025 và tuyên dương chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc.
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH